Tìm hiểu quá trình phát triển của thai 3 tháng đầu đời
Ngay sau khi trứng được thụ tinh bởi tinh trùng, một quá trình phức tạp nhưng có thể dự đoán được diễn ra để hình thành nên một em bé. Mặc dù là mang thai 3 tháng đầu tuy nhiên thai nhi vẫn sẽ có những phát triển nhất định
Tìm hiểu quá trình phát triển của thai 3 tháng đầu
1. Tuần thứ 1 và 2: Chuẩn bị
Tuần đầu hoặc tuần thứ hai của thai kỳ không hề có sự mang thai nào hết.
Sự thụ tinh thường diễn ra vào thời điểm sau hai tuần kể từ khi kỳ kinh cuối bắt đầu. Theo quy ước, ngày dự sinh sẽ được tính sau 40 tuần kể từ ngày đầu của kỳ kinh cuối, có nghĩa là thời gian của kỳ kinh cũng được tính vào thời gian mang thai, dù trên thực tế sự thụ tinh có thể còn chưa xảy ra.
2. Tuần thứ 3: Thụ thai
Trứng sau khi được tinh trùng thụ tinh sẽ trở thành hợp tử ở vòi fallop. Nếu chỉ có một trứng được thụ tinh sẽ chỉ tạo thành một hợp tử, nếu có hơn một trứng chín và được thụ tinh hoặc trứng được thụ tinh phân chia làm hai thì sẽ có nhiều hơn một hợp tử.
Hợp tử có thành phần di truyền gồm 46 nhiễm sắc thể, trong đó 23 nhiễm sắc thể được thừa hưởng từ cha và 23 nhiễm sắc thể được thừa hưởng từ mẹ. Những nhiễm sắc thể này sẽ quy định giới tính cũng như các đặc điểm về sinh học và ngoại hình của đứa trẻ.
Ngay sau khi được thụ tinh, hợp tử sẽ dần di chuyển theo vòi fallop để vào buồng tử cung và trong lúc đó, nó cũng tiến hành phân chia để tạo thành phôi.
3. Tuần thứ 4: Làm tổ
Túi phôi phân chia nhanh và bắt đầu ăn sâu vào niêm mạc tử cung để làm tổ.
Bên trong túi phôi, nhóm tế bào bên trong phát triển thành phôi thai, còn lớp tế bào bên ngoài sẽ hình thành nhau thai - bộ phận chịu trách nhiệm nuôi dưỡng thai nhi trong suốt thai kỳ.
Túi phôi phân chia nhanh và bắt đầu ăn sâu vào niêm mạc tử cung để làm tổ
4. Tuần thứ 5: Nồng độ nội tiết tố tăng lên
Tuần thứ 5 của thai kỳ (tương đương tuần thứ 3 sau khi thụ tinh), nồng độ nội tiết tố HCG (được sản xuất từ túi phôi) tăng lên nhanh chóng. Sự tăng lên của HCG là tín hiệu để buồng trứng ngừng giải phóng trứng và tiết ra nhiều nội tiết tố estrogen và progesterone hơn. Nồng độ các nội tiết tố estrogen và progesterone tăng lên làm chu kỳ kinh nguyệt dừng lại (mất kinh - dấu hiệu kinh điển của có thai), và kích thích nhau thai phát triển.
Phôi thai giờ đây có ba lớp. Lớp ngoại bì sẽ phát triển thành da, hệ thống thần kinh trung ương và ngoại biên, mắt và tai trong của em bé. Lớp trung bì sẽ hình thành tim và hệ tuần hoàn, xương, dây chằng, thận và phần lớn hệ sinh dục của em bé. Lớp nội bì sẽ hình thành phổi và ống tiêu hóa. Vào thời điểm này các mẹ có thể đi khám siêu âm độ mờ da gáy cho thai nhi.
5. Tuần thứ 6: Ống thần kinh đóng lại
Thai nhi phát triển nhanh trong tuần này. Chỉ sau bốn tuần từ khi thụ tinh, ống thần kinh ở phía lưng của thai nhi bắt đầu đóng lại. Não và tủy sống của thai nhi phát triển từ ống thần kinh. Tim và các cơ quan nội tạng khác cũng bắt đầu thành hình.
Các cấu trúc cần thiết cho sự phát triển của mắt và tai cũng phát triển. Các chồi nhỏ xuất hiện sau này sẽ thành cánh tay của em bé. Thân thai nhi bắt đầu có hình dạng cong như chữ C.
6. Tuần thứ 7: Đầu thai nhi phát triển
Tuần thứ 7 của thai kỳ (tương đương 5 tuần sau thụ tinh), não và mặt của thai nhi phát triển lớn lên. Những chỗ lõm mà sau này trở thành lỗ mũi của em bé đã có thể nhìn thấy. Võng mạc dần bắt đầu hình thành.
Những chồi mà sau này trở thành chi dưới xuất hiện. Chồi cánh tay xuất hiện ở tuần trước giờ có hình dạng như mái chèo.
7. Tuần thứ 8: Mũi thai nhi hình thành
Tuần thứ 8 của thai kỳ (tương đương 6 tuần sau thụ tinh), chồi chi dưới đã có hình dạng mái chèo. Các ngón tay bắt đầu hình thành. Những bộ phận sau này trở thành tai và mắt đã thấy được rõ ràng. Môi trên và mũi đã thành hình. Cổ và thân mình bắt đầu duỗi thẳng.
Đến cuối tuần thứ 8, thai nhi có chiều dài khoảng 11 tới 14 mm.
8. Tuần thứ 9: Ngón chân thai nhi xuất hiện
Ở tuần thứ 9 của thai kỳ (tương đương 7 tuần sau thụ tinh), cánh tay thai nhi phát triển và khuỷu tay xuất hiện. Các ngón chân đã có thể nhìn thấy và mí mắt hình thành. Đầu thai nhi khá lớn nhưng phần cằm của thai nhi vẫn chưa hoàn thiện.
Đến cuối tuần thứ 9, thai nhi có chiều dài khoảng từ 16 tới 18 mm.
9. Tuần thứ 10: Khuỷu tay thai nhi gập lại
Đến tuần thứ 10 của thai kỳ (tương đương 8 tuần sau thụ tinh), đầu của thai nhi trở nên tròn hơn.
Đến thời điểm này thai nhi đã có thể gập khuỷu tay. Các ngón chân và ngón tay không còn màng nữa và trở nên dài hơn. Mí mắt và tai ngoài tiếp tục phát triển. Dây rốn có thể nhìn thấy rõ ràng.
10. Tuần thứ 11: Bộ phận sinh dục thai nhi phát triển
Khi bắt đầu tuần thứ 11 của thai kỳ (tương đương tuần thứ 9 sau thụ tinh), đầu thai nhi có độ dài bằng khoảng một nửa tổng chiều dài của thai nhi, tuy nhiên phần thân thai nhi bắt đầu phát triển nhanh chóng.
Em bé mới chính thức được miêu tả bằng từ “thai”. Khuôn mặt của thai nhi rộng ra, hai mắt tách xa nhau, mí mắt nhắm lại. Mầm răng tương lai xuất hiện. Hồng cầu bắt đầu hình thành trong gan thai nhi. Đến cuối tuần thứ 11, bộ phận sinh dục ngoài bắt đầu phát triển (để trở thành dương vật với thai nam, hoặc thành âm vật và môi lớn với thai nữ).
Chiều dài thai nhi giờ khoảng 50 mm và nặng khoảng 8 g.
11. Tuần thứ 12: móng tay hình thành
Tuần thứ 12 của thai kỳ (tương đương tuần thứ 10 sau thụ thai), móng tay của thai nhi dần xuất hiện. Khuôn mặt thai nhi cũng phát triển hơn, trông rõ ràng hơn. Hệ thống ruột cũng phát triển hơn trong bụng thai nhi. Thai nhi bắt đầu có những cử động tự thân.
Đến thời điểm này thai nhi dài khoảng 61 mm và nặng khoảng 14 g.
Trong thời kỳ mang thai đặc biệt là ba tháng đầu, người mẹ mang thai cần bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách tiêm phòng đầy đủ các vacxin để phòng tránh bệnh giúp thai kỳ khỏe mạnh. Đặc biệt cần phải thực hiện sàng lọc trước sinh không xâm lấn để tìm ra những bất thường thai kỳ.
Nhận xét
Đăng nhận xét